TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI, NHÀ Ở, CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRONG MÙA MƯA, BÃO NĂM 2023

- + Đọc bài viết

           Ngày 22/5/2023, Sở Xây dựng có văn bản số 2319/SXD-QLXD gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở, công trình xây dựng trong mùa mưa, bão năm 2023;

            Theo đó, để chủ động ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và các công trình xây dựng trong mùa mưa bão năm 2023, Sở Xây dựng đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện một số nội dung sau:

           1. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở quản lý công trình chuyên ngành, sở Thông tin và Truyền thông; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Công ty Điện lực Bà Rịa – Vũng Tàu

            - Tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu các chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình, nhà thầu xây dựng và người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai theo các tài liệu hướng dẫn như: (1) Hướng dẫn phân loại nhà an toàn phòng, chống bão lũ theo văn bản số 1145/BXD-KHCN ngày 28/5/2015 của Bộ Xây dựng; (2) Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng – phòng và giảm thiểu thiệt hại do bão cho nhà ở do Viện Khoa học Công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng biên soạn; (3) khuyến cáo lắp đặt bồn nước cho nhà và công trình theo văn bản số 1299/VKH-VCNKC ngày 24/9/2015 của Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng; (4) Quy trình kiểm định các công trình ăn ten thu phát sóng viễn thông, truyền thanh truyền hình theo Quyết định số 55/QĐ-BXD ngày 25/01/2017 của Bộ Xây dựng.

            - Rà soát, cập nhật, bổ sung các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, khu dân cư phù hợp với đặc điểm địa hình, khí  hậu và những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai như lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất; xác định mức độ ảnh hưởng với các tần suất mưa lũ xảy ra ở từng khu vực trên địa bàn để lựa chọn địa điểm tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân; cảnh báo và chủ động di dời nhân dân đến nơi an toàn ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt, các khu vực dân cư sinh sống tại vùng đồi núi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, các khu vực thoát lũ ở hạ lưu các hồ chứa.

            - Rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước hiện hữu của khu đô thị nhằm đảm bảo việc chống ngập úng khi mưa, lũ; kiểm soát quy trình cắt tỉa cây xanh đô thị đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; đảm bảo an toàn điện và cung cấp nước sạch cho các vùng bị úng ngập.

            - Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn theo chức năng nhiệm vụ, địa bàn quản lý thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công xây dựng, công trình đang vận hành khai thác sử dụng. Yêu cầu các chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình tạm thời dừng thi công khi có bão đổ bộ vào; kiểm tra phương án, biện pháp gia cố, giằng chống, gia cường cho công trình (các công trình có nguy cơ gây mất an toàn: công trình sử dụng mái tôn, trần nhựa, cửa kính, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao, tháp viễn thông, truyền hình, cột điện, hồ, đập…) và thiết bị phục vụ thi công xây dựng để đảm bảo an toàn mùa mưa bão (cần trục tháp, máy vận thăng…).

            - Đối với các công trình nhà xưởng trong khu, cụm công nghiệp: Thường xuyên kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công xây dựng. Yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật khi thi công xây dựng kết cấu dàn thép, xây mảng tường lớn, mái nhà xưởng...có nguy cơ mất an toàn cao. Dừng thi công và gia cố công trình khi có bão đổ bộ vào đất liền.

            -  Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, vi phạm các quy định về an toàn xây dựng và vệ sinh môi trường; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.

            - Yêu cầu các đơn vị quản lý, sử dụng công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình báo cáo các công trình đang quản lý, sử dụng theo phân cấp; thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình theo chu kỳ, bảo trì, sửa chữa khắc phục để đảm bảo an toàn. Thực hiện đúng Quy trình kiểm định các công trình an ten thu phát sóng viễn thông, truyền thanh truyền hình theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Quyết định số 55/QĐ-BXD ngày 25/01/2017.

            - Tổ chức rà soát, phân loại cột điện bê tông cốt thép ly tâm hiện hữu đang khai thác; thực hiện gia cường, giằng chống để đảm bảo an toàn; thực hiện nghiêm công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo an toàn vận hành lưới điện mùa mưa bão.

            2. Đối với các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, các chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình xây dựng

            2.1. Đối với các công trình đang thi công xây dựng

            - Chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu thi công bố trí đầy đủ các biển báo, biển cảnh báo nguy hiểm trên công trường tại các vị trí có nguy cơ mất an toàn; lập hàng rào che chắn, có biện pháp neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị thi công trên cao trước khi có gió, bão; kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với nhà tạm, lán trại trên công trường, các thiết bị điện, chống sét.

            - Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật: Kiểm tra, rà soát các vị trí hố ga, hố thu, rãnh thoát nước, những vị trí có nguy cơ gây mất an toàn trên công trường. Yêu cầu nhà thầu xây dựng lắp đặt đầy đủ biển cảnh báo nguy hiểm, che chắn an toàn tại những nơi nguy hiểm như: hố ga, kênh mương hở, ao hồ, vùng trũng, cống rãnh, hào kỹ thuật...

            2.2. Đối với các công trình đang khai thác sử dụng

            - Kiểm tra, đánh giá và gia cường, giằng chống các cột điện bê tông cốt thép ly tâm khi thấy không đảm bảo chất lượng, nghiêng hoặc bố trí hoạt tải sai khác so với thiết kế ban đầu, đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão; đảm bảo an toàn hành lang lưới điện trong mùa mưa bão.

            - Đối với các công trình, nhà ở xây dựng tại những khu vực triền đồi, sườn núi, ven sông và những nơi có địa hình, địa chất thuỷ văn không thuận lợi cần chú ý các biện pháp phòng, chống hoặc di tản đến nơi trú ngụ an toàn.

            - Đối với hồ, đập chứa: Chủ sở hữu đập, hồ chứa rà soát, kiểm tra, kiểm định an toàn hồ đập trước mùa mưa bão; kiểm tra quy trình vận hành hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực hạ du.

            3. Đối với các nhà thầu thi công xây dựng

            - Thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình quy định tại Điều 13 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng

            - Lập và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, đặc biệt công tác đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng, dàn giáo và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão.

            - Chỉ đưa các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động vào sử dụng tại công trường sau khi đã được kiểm định đảm bảo an toàn. Hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường; yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động đối với người lao động; quản lý số lượng người lao động làm việc trên công trường.

   - Bố trí thường xuyên cán bộ theo dõi, quản lý công tác an toàn lao động, vệ sinh trên công trường. Dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công./.

(Chi tiết tại văn bản số 2319/SXD-QLXD ngày 22/5/2023)

Tác giả bài viết: Lê Hữu Lộc
Nguồn: Phòng Quản lý xây dựng

Đánh giá bài viết: