Vật liệu xây không nung (VLXKN) được đề cập, sản xuất và đưa vào ứng dụng từ 20 năm trước, nhưng đến nay, loại vật liệu xây này vẫn còn nhiều “lỗ hổng” chưa được phổ biến. Muốn VLXKN được ứng dụng vào cuộc sống thì cần hoàn thiện những khó khăn, bất cập từ quy định pháp lý đến thói quen người tiêu dùng.
Ông Tống Văn Nga khẳng định: Cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc để VLXKN được phát triển
Ngày 11/8, tại thành phố Vũng Tàu, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng Hội Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức Hội thảo “Sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung - những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong cung ứng VLXD – Hành lang pháp lý cho vật liệu xanh, công nghệ và giải pháp đảm bảo an toàn cho công trình xây dựng”.
Hội thảo này đã tập trung vào cập nhật các chính sách thúc đẩy sản xuất và sử dụng VLXKN ở Việt Nam; thiết kế thi công nghiệm thu khối xây bằng VLXKN; các bất cập và điểm pháp lý cần hoàn thiện để thúc đẩy sự phát triển của VLXKN; thực trạng về quản lý, phát triển VLXKN tại Bà Rịa – Vũng Tàu…
Nhìn lại 20 năm phát triển VLXKN, ông Tống Văn Nga – Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam khẳng định: Gần 20 năm qua, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các địa phương đã tập trung đẩy mạnh sản xuất VLXKN, nhưng đến nay, vật liệu này chưa được phổ cập dù đây là sản phẩm rất tốt cho môi trường và hướng tới phát triển bền vững như tiêu tốn ít năng lượng, rất phù hợp với nhà cao tầng. Để VLXKN tiếp tục phát triển, thì chúng ta cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc tại các quy định pháp lý, quy trình sản xuất, hướng dẫn tiêu dùng… từ đó, đưa ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn nhằm tiếp tục triển khai thành công loại vật liệu này.
Đại diện các Hội ngành nghề đã thẳng thắn trao đổi với các đại biểu
Trước những khó khăn của VLXKN, ông Phạm Văn Bắc – Phó Chủ tịch Hội VLXDVN khẳng định: Chính sách phát triển VLXKN trong 20 năm qua là nhất quán. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện Chương trình 2171 về phát triển VLXKN đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đẩy mạnh sản xuất và sử dụng VLXKN để thay thế gạch đất sét nung, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; tận dụng phế thải từ các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Lộ trình sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 35-40% vào năm 2025; 40-45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, đảm bảo tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình theo quy định. Giảm phát thải khí CO2 vào năm 2025 là trên 2,5 triệu tấn/năm và năm 2030 là trên 3,0 triệu tấn/năm (so với sản xuất gạch nung với khối lượng tương đương). Từ đó, đưa ra các nhóm giải pháp nhằm thực hiện thành công chương trình này.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai gần 20 năm qua cho thấy, VLXKN khi đưa vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn từ cơ chế chính sách, thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn thấp, nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng còn chưa đầy đủ, chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm VLXKN.
Ông Bắc đề nghị: Cần rà soát và bổ sung các văn bản, hành lang pháp lý cho việc sử dụng VLXKN; tăng cường đôn đốc các địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg và Chương trình 2171/QĐ-TTg và đặc biệt lưu ý đến lộ trình xóa bỏ lò công nghệ lạc hậu.
Khắc phục những khó khăn để sản xuất, sử dụng VLXKN, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang là địa phương dẫn đầu phía Nam về sản xuất và sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng, ông Khải Quốc Bình - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Hiện, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 5 đơn vị đầu tư sản xuất VLXKN, với tổng công suất đạt khoảng 180 triệu viên QTC/năm.
Từ thành quả và kinh nghiệm trong sản xuất, sử dụng VLXKN của Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Khải Quốc Bình đề nghị một số vấn đề như: Nhà nước cần có những ưu đãi cụ thể, lâu dài về vốn, thuế, tiền thuê đất đối với các nhà sản xuất và từng loại VLXKN. Đồng thời, có chính sách quản lý chặt chẽ sản xuất gạch đất sét nung, hạn chế tối đa việc sử dụng đất nông nghiệp làm nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung. Ngoài ra, cần ban hành đồng bộ, chi tiết các chính sách ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất VLXKN và bắt buộc sử dụng vật liệu mới vào các công trình xây dựng theo các tiêu chí cụ thể.
Cần từng bước hoàn thiện các giải pháp về khoa học kỹ thuật trong điều kiện Việt Nam, xây dựng, công bố và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế, thi công, nghiệm thu... các công trình sử dụng VLXKN. Hiện nay, nước ta cần thêm các tài liệu chuyên nghiệp và mang tính chuyên sâu về hướng dẫn thiết kế, thi công, định mức tiêu hao cho một đơn vị khối lượng xây dụng sử dụng VLXKN.
Tăng cường hơn trong công tác tuyên truyền về phát triển VLXKN để các nhà quản lý, chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền đô thị, các nhà tư vấn, các chủ đầu tư, các doanh xây dựng và mọi người dân khi có liên quan đến xây dựng cần được phổ biến ưu điểm và ưu đãi đối với sản xuất và sử dụng VLXKN, để từng bước thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung vẫn tồn tại. Đồng thời, thấy được những tác động tiêu cực của việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung không theo quy hoạch, để tập trung mọi năng lực phát triển sản xuất và sử dụng gạch xây không nung, góp phần phát triển ngành Công nghiệp VLXD nước ta hiện đại, bền vững. Biên soạn giáo trình và đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường chuyên nghiệp mang tính chuyên sâu về hướng dẫn thiết kế, thi công, định mức tiêu hao cho một đơn vị khối lượng xây dụng sử dụng VLXKN…
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp sản xuất và thi công VLXKN.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất VLXKN, chúng tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có thẩm quyền liên quan kiên quyết trong công tác chỉ đạo điều hành, ban hành cụ thể các quy định về các chế độ ưu đãi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển về đầu tư sản xuất để ngày càng nâng cao sản lượng và chất lượng VLXKN trên thị trường.
Kiến nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu để công bố thêm các bộ định mức cho gạch bê tông xi măng (là VLXKN có trọng lượng riêng lớn) có kích thước tiêu chuẩn phù hợp với năng lực và sức khỏe của người công nhân xây dựng, ông Khải Quốc Bình nhấn mạnh.
(Trích nguồn: https://baoxaydung.com.vn/thao-go-kho-khan-cho-vat-lieu-xay-khong-nung-358907.html )